RoTruyen.Com

Bhtt Lieu Nhan Tuyet Ca

Mất một lúc lâu, Ôn Chủy Vũ mới bình tĩnh trở lại.

Người ta bảo, con gái là người tình kiếp trước của cha. Vậy mà giữa cô và Ôn Thời Tập lại cứ như oan gia từ kiếp nào, nhưng cô không thể nói điều đó ra thành lời. Đối với cái chết của mẹ, cô không thể không mang lòng oán trách, trách Ôn Thời Tập, cũng tự trách bản thân mình. Nếu không vì Ôn Thời Tập, mẹ của cô cũng sẽ không chết. Nếu không có cô, bà ấy hẳn còn vui vẻ sống đến tận bây giờ.

Đây là khúc mắc vĩnh viễn không thể xóa bỏ giữa cha con hai người.

Cô và Ôn Thời Tập không hợp tính nhau, ẩn dưới mối quan hệ cha con ấy là vô số cuộc chiến âm thầm, lặng lẽ. Mà thứ tình thân máu mủ đó cũng chỉ khiến cuộc chiến của họ càng thêm đau đớn, lưu lại những vết sẹo chằng chịt.

Trong mắt Ôn Thời Tập, cô lúc nào cũng lén lút trốn sau lưng ông bà nội để chống đối ông ta, cô không biết nghe lời, không nghe dạy dỗ. Một người làm cha như ông cảm thấy mình phải quản giáo cô cho thật nghiêm, để cô có được dáng vẻ của một đứa con gái ngoan thực thụ.

Còn trong mắt cô, ngài Ôn Thời Tập đây chỉ là một người không làm tròn trách nhiệm của người cha, không hoàn thành được nghĩa vụ của người làm chồng.

Mỗi lần hai người đọ sức đều bất phân cao thấp, chẳng rõ thắng thua, nên cuộc chiến này sẽ không bao giờ dừng lại.

Giống như lần này, Ôn Thời Tập không vừa mắt cái phòng tranh nhỏ của cô. Ông ta cho rằng chỉ cần tìm một người tùy tiện xử lý thì chuyện lần này coi như xong. Nhưng cô ở trước mặt người do Ôn Thời Tập tìm đến, nói ông ta thiếu tiền nên mới nhắm đến chút vốn liếng cuối cùng mà cô và ông nội dùng để an thân lập mệnh. Ôn Thời Tập coi trọng nhất là mặt mũi, bây giờ cô đã làm tổn hại đến thể diện của ông ta, Ôn Thời Tập nhất định phải đòi lại thể diện mới chịu dừng tay.

Ôn Thời Tập phá sản dưới tay của Diệp Linh, mà cô lại hợp tác với nàng, chỉ cần mối quan hệ đối tác này còn tồn tại ngày nào thì ông ta sẽ còn mắt mặt thêm ngày ấy. Trước đây ông ta ở nước ngoài xa xôi, không có dư thời gian lẫn tâm sức chú ý tới cô. Hiện tại cô đã tự mình tìm đến cửa, tất nhiên Ôn Thời Tập phải chỉnh đốn lại cô con gái của mình. Với ý định của Ôn Thời Tập, ông ta sẽ quấy nhiễu đến khi nào cô và Diệp Linh chịu tách ra thì mới thôi.

Diệp Linh là cổ đông lớn nhất của phòng tranh, còn cô là người điều hành. Cô và Diệp Linh, bất kể là ai rút lui đều gây ra tổn thất không thể bù đắp cho phòng tranh và cho cả bản thân Ôn Chủy Vũ.

Dù là vì lợi ích kinh doanh hay là vì nguyện vọng cá nhân của cô, chuyện này tuyệt đối không thể làm theo ý của Ôn Thời Tập.

Ôn Chủy Vũ về nhà, mở két bảo hiểm ra. Cô lục lại hóa đơn và bảng kê khai danh sách các khoản nợ của Ôn Thời Tập đã được gia đình chi trả, chụp lại toàn bộ, sau đó gửi email cho ông ấy. Cuối cùng cô gọi điện thoại cho ba của mình, nhắc ông ta nhớ kiểm tra và nhận mail.

Đồ đạc trong nhà đều bị bán tháo với giá thấp nhất, quy đổi gần ba trăm triệu tệ tiền mặt để trả nợ thay cho ông ta. Ngài Ôn Thời Tập, thể diện của ngài tất cả đều ở đây!

Ôn Chủy vũ thẫn thờ ngồi trước máy tính rất lâu, sau đó lại gửi thêm một tin nhắn cho Ôn Thời Tập: "Con và ông nội hiện đang sống tạm trong nhà của cô Ba. Thu nhập ở phòng tranh hằng tháng còn không đủ để chi tiêu trong nhà, phải nhờ ông nội kiếm tiền bù vào. Nếu ba muốn hai ông cháu con lưu lạc đầu đường xó chợ, xin lỗi, con và ông sẽ không đồng ý. Ông Ôn, hi vọng chúng ta không làm phiền nhau nữa, ai nấy đều sống tốt cuộc sống của mình."

Qua hai phút sau, cô nghĩ tới nghĩ lui, lại gửi đi một tin nữa: "Khoản nợ ba thiếu người ta, con và ông đã trả thay ba rồi. Ba làm ăn trên thương trường bao năm, đối thủ cạnh tranh nhiều không kể hết. Nếu ba muốn ông cháu con thay ba tiếp quản luôn cả đám người kia, thứ lỗi con không theo hầu được."

Ôn Chủy Vũ đắn đo gửi tiếp một tin: " Ba Ôn Thời Tập, tiền ba thiếu con và ông nội tổng cộng là hai trăm chín mươi tám triệu tệ. Nếu như ba có thời gian rãnh rỗi can dự vào chuyện riêng của con, chi bằng dùng thời gian đó nghĩ cách làm sao để trả tiền lại cho hai ông cháu con thì hơn. Con và ông nội không muốn ba trở thành tội phạm bị truy nã, nhưng điều đó không có nghĩa là chúng con sẵn sàng gánh nợ cho thay ba."

Một lúc sau mới có tin nhắn trả lời từ Ôn Thời Tập: "Mày là đứa con gái bất hiếu!"

"Có cha, tất có con. Ba thế nào thì con thế ấy."

Đối với những người khác, Ôn Chủy Vũ tuyệt đối sẽ không nói ra những lời khiến người ta mất hết danh dự như thế. Nhưng đối với Ôn Thời Tập, cô nhất định phải xé toạt lớp mặt nạ của ông ta, vứt xuống đất giẫm đạp thì mới thôi. Song mỗi lần như thế, trong lòng Ôn Chủy Vũ đều rất khó chịu. Suy cho cùng, ông ấy vẫn là người chí thân của cô. Là ruột thịt, mà cũng là kẻ thù. Dẫu đấu nhau sứt đầu mẻ trán, nhưng xương gãy rồi gân vẫn còn dính chặt. Nếu chỉ là kẻ thù, vậy thì lúc Ôn Thời tập đổ nợ bỏ trốn, cô đã có thể vỗ tay ăn mừng. Duyên cha con hai người là mối quan hệ hằn sâu vào máu thịt, không thể cắt đứt.

Ôn Chủy Vũ nghe thấy có tiếng xe hơi chạy vào sân. Cô bèn đứng dậy tắt laptop, gom hết hóa đơn và sổ ghi chép bỏ vào trong két sắt, sau đó đi xuống lầu như chưa từng xảy ra chuyện gì.

Cụ Ôn Nho thấy Ôn Chủy Vũ đang ở nhà, ngạc nhiên hỏi: "Sao hôm nay về nhà sớm vậy?"

Ôn Chủy Vũ xem giờ rồi đáp: "Cũng không còn sớm nữa."

Cô dìu ông cụ ngồi xuống ghế sô pha, bắt đầu nói: "Nội ơi, vài ngày nữa là đến tiệc thọ của nội rồi, nhưng mà bây giờ nhà mình còn chưa biết phải mời ai, đặt khách sạn nào, chọn đãi món gì. Hôm nay con muốn bàn lại với ông một chút,  sớm chốt mấy việc cụ thể để còn kịp sắp xếp cho ổn thỏa."

Ôn Nho nói tiệc mừng không cần tổ chức linh đình, ông chỉ muốn mời vài người bạn thân đến dự. Nhưng gia đình cô họ hàng đông đúc, mà ông cụ lại là người quảng giao nên thành ra số lượng bạn bè của ông còn nhiều hơn thân thích mấy phần. Chuyện giao thiệp tình cảm, ngoài những dịp lễ Tết ra thì chỉ còn mấy lúc như sinh nhật, mừng thọ hoặc các tiệc mừng nhà có thêm người như cưới hỏi, sinh con giống vậy thôi.

Muốn biết gia cảnh nhà này có vượng hay không thì phải xem lúc đãi tiệc có bao nhiêu khách khứa tới thăm, người đến gồm những nhân vật nào.

Ôn Thời Tập ngã ngựa, cô và ông cụ phải chống đỡ cho danh tiếng của gia đình. Cho nên, dù chỉ là một bữa tiệc nhỏ thì cũng phải làm cho đầy đủ hình thức.

Trước kia, tiệc mừng thọ của ông cụ đều được tổ chức với danh nghĩa của Ôn Thời Tập. Bây giờ Ôn Thời Tập không có ở đây, Ôn Chủy Vũ không muốn để ông cụ vì một đứa con phá gia chi tử mà phải trải qua quãng đời còn lại trong hiu quạnh. Ba cô bỏ đi rồi thì vẫn còn cô ở đây mà.

Ôn Chủy Vũ chuẩn bị dùng danh nghĩa của mình để tổ chức một buổi tiệc linh đình cho ông nội.

Danh sách khách mời đã được chọn xong, cô phải nhanh chóng liên hệ với nhà hàng để đặt chỗ. Theo phương châm "phù sa không chảy ruộng ngoài", cộng thêm nhà hàng của gia đình Ôn Lê rất tốt nên Ôn Chủy Vũ đã gọi cho chú họ của cô – cũng là ba của Ôn Lê – để đặt tiệc. Người dẫn chương trình, đội múa lân đều nhờ cậy ông ấy sắp xếp.

Bạn thân, tri kỷ của cụ Ôn Nho đều là những người lớn tuổi có danh vọng cùng địa vị cao, Ôn Chủy Vũ không thể tùy tiện gọi điện mời mọc giống như lúc báo tin cho các anh chị trong nhà. Trước là viết thiếp mời, sau đó còn phải đích thân đưa đến nhà người ta. Những công việc chân tay lặt vặt vốn đòi hỏi rất nhiều thời gian và thể lực, nên cô định sẽ thuê người làm thay. Các mối quan hệ xã giao ở bên cô cũng cần để tâm tới, tính ra phải mời không ít người.

Lúc viết thiệp, Ôn Chủy Vũ đắn đo rất lâu, sau đó mới hỏi ông nội: "Có nên mời Diệp Linh không ạ?"

"Con tự quyết định đi!"

"Con thấy cứ cố tình tránh né nàng ta hoài cũng không hay, càng làm ra vẻ như không có chuyện gì sẽ càng khiến người ta thêm nghi ngờ."

Thấy chủ nhân của bữa tiệc không phản bác gì, Ôn Chủy Vũ bèn viết thêm một tấm thiệp gửi cho Diệp Linh.

Có điều Diệp Linh bận trăm công nghìn việc, người hiện không có ở đây. Ôn Chủy Vũ đành để thiệp mời lên bàn làm việc của nàng ta, sau đó gọi điện báo với Diệp Linh một tiếng.

Xuất phát từ phép lịch sự, Ôn Chủy Vũ đã gửi thiệp đi rồi. Còn việc Diệp Linh có đi hay không, cô không thể biết được. Ôn Chủy Vũ bận đến độ chân không kịp chạm đất, ngay cả giờ ngủ cũng bị rút ngắn còn ba bốn tiếng đồng hồ, làm gì có thời gian nghĩ đến mấy chuyện này.

Ôn Chủy Vũ đấu khẩu với Ôn Thời Tập một trận, không phải là vì muốn kể với Ôn Thời Tập rằng cha của ông đã hy sinh cho ông nhiều biết chừng nào, mà chỉ hi vọng ông ta có thể nhớ đến ông nội một chút. Hi vọng đến tiệc thọ của ông cụ, Ôn Thời Tập có thể về thăm cha một lần. Cho dù không thể về, thì cũng nên chuẩn bị quà hoặc gọi cho ông nội một lát, để cho ông biết trong lòng con trai vẫn luôn nhớ tới ông, vậy cũng xem như an ủi ông cụ phần nào.

Cô Ba Ôn Thời Thư cùng với các chú bác họ đều đã tề tựu đông đủ. Còn cô Hai không về do ở nước ngoài xa xôi cũng đã chuẩn bị một phần quà, sau đó còn gọi video chúc thọ cho ông cụ.

Ôn Chủy Vũ để ý thấy ông nội mình luôn nắm chặt chiếc điện thoại trong túi áo, thi thoảng sẽ giả vờ như vô tình lấy ra xem một chút. Cô biết, ông nội đang chờ ba cô gọi về.

Ôn Chủy Vũ tìm một góc hẻo lánh, gọi điện cho Ôn Thời Tập.

Điện thoại vừa reo đã bị cúp ngang. Không lâu sau, Ôn Thời Tập gửi tin nhắn đến: "Ba đang bận tiếp khách hàng."

Ôn Chủy Vũ nhắn lại: "Hôm nay là sinh nhật của ông nội, ông đang chờ điện thoại của ba."

Cô ấn gửi xong, nghĩ tới mình có một người cha như thế, trên mặt chợt cảm thấy nóng rát, vành mắt cũng hơi đỏ lên.

Lát sau, Ôn Thời Tập trả lời lại: "Cố gắng hiếu thảo với ông nội con, đợi ba kiếm đủ tiền trả cho hai ông cháu rồi sẽ về."

Cô nhìn chằm chằm vào tin nhắn của Ôn Thời Tập một hồi lâu mới hoàn hồn, lúc này sức lực trong người cô dường như đã bị mấy chữ này rút sạch. Ôn Chủy Vũ nắm chặt điện thoại trong tay, vô lực dựa người vào tường. Cô mượn chậu hoa lớn gần đó để ẩn mình, dùng sức cắn chặt môi nhưng cũng không thể khiến nước mắt chảy ngược vào trong. Cô hẳn rõ hơn ai hết, đối với người như ông Ôn Thời Tập, cách tốt nhất chính là không cần quan tâm, không cần nghĩ tới, cứ xem như trên đời này không hề tồn tại một người cha như thế là được rồi.

Cô hít liên tiếp vài hơi thật sâu, cố nén cảm xúc nơi đáy lòng. Ôn Chủy Vũ lau sạch nước trên khóe mắt, sau đó cô đến nhà vệ sinh bù lại lớp trang điểm rồi mới quay lại sảnh chính để chào hỏi quan khách.

Đổng Nguyên mang quà mừng tuổi đến, bên trên món quà còn đính kèm một tấm thiệp mừng do chính tay Diệp Linh chấp bút. Đổng Nguyên áy náy nói với cô rằng gần đây Diệp Linh có chuyện gấp, đành phái anh ta tới thay.

Cô nhận lấy quà, bèn đáp: "Giám đốc Diệp khách sáo quá rồi." Nói xong thì mời Đổng Nguyên vào trong.

Đổng Nguyên ký tên điểm danh, tiếp đó thay mặt Diệp Linh chúc thọ cho cụ Ôn. Lúc này anh ta mới rời đi.

Ôn Chủy Vũ lo cụ Ôn Nho sẽ vì Ôn Thời Tập mà mất vui trong ngày sinh nhật nên không dám nói cho ai biết việc cô đã liên lạc với ông ta. Nhưng số điện thoại của Ôn Thời Tập là do Ôn Thời Thư đưa cho cô, chuyện này rốt cuộc cũng không giấu được bà ấy.

Ôn Thời Thư hỏi cô một câu. Ôn Chủy Vũ chỉ nhún vai, lặng thinh không nói gì.

Ôn Thời Thư hạ giọng mắng Ôn Thời Tập: "Đúng là chiều quá hóa hư mà!" Sau đó bà kêu trợ lý mang điện thoại tới rồi đi về phía góc sảnh ở gần đó.

Ôn Chủy Vũ lặng lẽ nhìn qua, lập tức nghe Ôn Thời Thư nói: "Cậu Tư này, vốn khởi nghiệp của cậu là chị Hai cho mượn có phải không? Chuyện khác của cậu tôi không quản, nhưng hôm nay là sinh nhật của ba, nếu hôm nay ông cụ không vui thì tôi hứa với cậu, cả năm này cậu cũng đừng hòng vui vẻ được ngày nào." Bà nói xong thì cúp máy.

Không tới một giờ sau, quà mừng thọ của Ôn Thời Tập đã được giao tới, ông ấy cũng gọi về.

Quà là được người khác đưa đến. Con trai ở nước ngoài, không về được, chỉ có thể nhờ cậy bạn thân mua giúp để mừng tuổi cho cha.

Ôn Nho tiếp điện thoại của Ôn Thời Tập xong thì liền mắng ông ta với mấy người bạn già: "Cái thằng khốn đó còn biết gọi về nữa sao?" Cả người ông cụ trông như nhẹ nhõm hẳn, tinh thần cũng phấn chấn hơn rất nhiều, cười đến mức lộ ra mấy vết nhăn sâu hoắm.

Ôn Chủy Vũ cố đè nén toàn bộ cảm xúc, tiếp tục lo liệu tiệc mừng thọ cho ông cụ.

Tối hôm đó, sau khi tiễn khách về xong, Ôn Chủy Vũ mới về đến nhà. Cô cùng với cụ Ôn Nho và Ôn Thời Thư ngồi kiểm kê lại đống quà mà khách mang tới.

Ôn Nho làm bộ thoải mái nói với Ôn Chủy Vũ: "Xem thử ba con gửi tới quà gì."

Ôn Thời Thư ngồi bên cạnh chống cằm, nói bằng giọng chua lét: "Cho nên người ta mới nói con trai thì thân hơn con gái, làm gì có ai muốn coi thử quà mình tặng là gì đâu."

Ông cụ vội vàng đổi lời, bảo Ôn Chủy Vũ: "Lấy quà của cô Hai và cô Ba con ra coi trước đi."

"Không cần đâu. Khui quà của cậu con trai vàng ngọc ra trước mới phải."

"Cái thằng vô dụng đó thì tặng được thứ gì tốt đẹp. Đừng nhắc tới nó nữa"

Ôn Chủy Vũ đeo lên người ông cụ một tấm ngọc bình an, ngọc bội này là do cô tự mình chọn sau đó tìm người khắc riêng.

"Cô Ba tặng cho ông nội một cái ghế massage. Con đã nhờ chú Triển Trình khiêng vào phòng ngủ của ông rồi, để ông có cái nằm hằng ngày."

Ôn Chủy Vũ nói xong thì lại đưa tiếp cho ông cụ một tấm thẻ ngân hàng.

"Cô sợ ông không chịu nhận nên lén nhét cho con, dặn rõ đây là tiền mừng tuổi của ông nội. Ngoài ra còn có giấy chứng nhận quyền sở hữu của căn nhà này, con cũng cất vào trong phòng ngủ cho ông rồi."

Ôn Thời Thư chép miệng nói: "Nếu ba không chịu nhận của con, vậy thì phải đối xử tất cả công bằng như nhau, của ai ba cũng không được nhận."

Ôn Chủy Vũ thấy cô Ba vừa mở miệng thì đã châm ngòi cho cuộc chiến, bèn vội vàng bóc quà của cô Hai. Cô mở hộp quà ra, lập tức thấy bên trong là một đống giấy tờ nhà đất, còn có chìa khóa nhà. Sau khi lật xem mấy cuốn sổ đỏ kia, cô nhanh chóng chuyển hướng tấn công, hỏi: "Cô Ba với cô Hai bàn bạc xong chưa? Hai cô mỗi người tặng nội một căn, vậy để ông ở nhà ai thì mới được?"

Ôn Thời Thư đáp nhẹ tênh: "Gặp cô Hai của con, cô cũng phải chào thua. Nhưng mà cô tính hết rồi, hai ông cháu ở đây lâu đã quen, dọn nhà tới lui phiền phức lắm. Thôi cứ ở lại đây đi."

Ôn Chủy Vũ không có gì kiến gì. Cô chuẩn bị khui quà của Ôn Thời Tập. Mở hộp quà ra, bên trong là một bộ trà cụ làm bằng sứ Quan diêu đời nhà Thanh. Trong lòng cô khẽ thở dài nhưng ngoài mặt vẫn vui cười nói: "Mùa hè trời hay ẩm ướt, mớ trà phổ nhĩ chín kia của ông có thể đem ra uống được rồi."

Cô cầm tách trà lên, tỉ mỉ đánh giá: "Còn có lòng chọn họa tiết hoa điểu mà ông nội thích nữa, là sứ Quan diêu đời Càn Long." Nói rồi đưa qua cho ông cụ xem.

"Ông ngắm thử xem, không biết người mà ba con tìm có đáng tin hay không?"

Cụ Ôn Nho cẩn thận nhận lấy tách trà. Sau một hồi quan sát chăm chú, ông nói với Ôn Chủy Vũ: "Đây quả thật là gốm Quan diêu thời Càn Long, bảo quản rất tốt. Trên thị trường người ta rất ưa chuộng loại này, mấy bộ được bảo quản tốt như vầy không dễ kiếm được đâu. Để mua được bộ này, ba con chắc cũng hao tâm tổn trí rồi."

Ôn Chủy Vũ nghĩ thầm trong bụng: "Hao tâm tổn trí thì không, nhưng mà hao tiền thì có. Thời gian gấp như vậy mà vẫn mua được một bộ, hẳn đã bỏ ra không ít tiền."

Cũng nhờ vào danh tiếng của ông cụ, hôm nay lại là lễ đại thọ của ông, cộng thêm chuyện trước đây từng xảy ra vụ bình Thanh Hoa bị tráo đổi, nên những người trong nghề ở địa phương bây giờ cũng không dám giở trò trước mặt ông nữa. Nếu không, với cách mua đồ của Ôn Thời Tập, thế nào cũng trở thành con mồi béo bở cho người ta chặt đẹp. Đồ cổ lần này là thật, Ôn Thời Tập phải bỏ ra bao nhiêu tiền, có bị người ta hét giá cao ngất trời hay không cũng khó nói.

Cô lặng lẽ đưa mắt nhìn Ôn Thời Thư. Bà ấy vẫn thản nhiên như không, tỏ vẻ như mình không biết gì về chuyện này.

Cô và Ôn Thời Thư mở quà cùng ông cụ. Quà cáp nhận được đều phải được kiểm kê kỹ lưỡng, ghi chép đàng hoàng để sau này còn có căn cứ để trả lễ lại cho người ta.

Ôn Nho bận rộn cả ngày trời, thân thể già nua đã không chịu nổi nữa. Ông xem quà xong thì liền lên lầu đi ngủ.

Nhà nhỏ, phòng cũng không nhiều, bạn bè thân thích đến thăm đều được sắp xếp nghỉ ngơi tại khách sạn. Ôn Thời Thư lo lắng cho cha già nên mới theo về đây. Bây giờ trời cũng đã khuya, để bà quay lại khách sạn thì lại quá vất vả. Nghĩ thế nên Ôn Chủy Vũ đề nghị cô Ba ngủ lại với mình.

Cô rất mệt, nhưng trong lòng lại như có một sợi dây bị kéo căng, không tài nào chợp mắt nổi.

Cô tắm xong thì lên giường nằm. Đợi Ôn Thời Thư tắm ra, cô vẫn chưa ngủ được.

Ôn Thời Thư thấy cô vẫn còn thức, bèn hỏi: "Mắt sắp đen như gấu trúc rồi mà vẫn chưa chịu đi ngủ sao?"

Thật ra, Ôn Chủy Vũ không thích tiếp xúc thân mật với người khác. Nhưng ngoài ông bà nội ra thì người thân cận nhất của cô chỉ có Ôn Thời Thư, thế nên cô thường hay bám lấy cô Ba của mình.

Ôn Chủy Vũ thở dài: "Cô Ba, cô nói xem người ba này của con..."

"Ba con không có tật xấu gì lớn, chỉ là vừa nhát gan lại hay làm màu. Đây là bệnh chung của mấy đứa con út trong nhà."

Ôn Chủy Vũ cười khổ một tiếng, không biết nói gì mới phải.

"Đi ngủ đi!"

Bà đau lòng nói tiếp: "Sắp biến thành cây củi khô rồi. Chuyện gì thì cũng phải nghĩ thoáng một chút, trời có sập đâu mà lo."

Ôn Chủy Vũ khẽ "dạ" một tiếng. Cô chỉ cần coi Ôn Thời Tập là người vô hình, dù trời có sập xuống cô cũng chẳng cần bận tâm.

Ôn Chủy Vũ cảm thấy cô Ba của mình chỗ nào cũng tốt, chỉ là lúc ngủ thường hay giành chăn với người bên cạnh. Mùa hè, trên giường của cô chỉ có một tấm chăn điều hòa. Sau khi nó bị cô Ba cướp đi, Ôn Chủy Vũ phải thức giấc vì lạnh. Cô đứng dậy đi tìm thêm một cái chăn nhỏ, sau đó trong lúc đang ngủ, cái chăn thứ hai của cô lại bị Ôn Thời Thư giật mất. Trên người Ôn Thời Thư đang đắp một cái chăn điều hòa, bên dưới là tấm chăn nhỏ của cô. Một mình bà chiếm lấy hai phần ba cái giường, ngủ trông ngon lành lắm.

Ôn Chủy Vũ buồn ngủ đến mức mắt mở không lên. Cô đã cố gượng người dậy đi lấy chăn hết một lần rồi sau đó chẳng buồn dậy nữa, cứ thế nằm co ro run rẩy ở mép giường cho tới tận sáng.

Sáng hôm sau, Ôn Thời Thư cằn nhằn cô: "Sao cái nết ngủ của con nói mãi mà vẫn không chịu sửa vậy chứ? Lúc nào cũng co thành một cục nằm sát mép giường, giống hệt con tôm."

Ôn Chủy Vũ cảm thấy khó chịu trong người, mũi cũng bị nghẹt, không muốn nói chuyện với Ôn Thời Thư. Dạo gần đây bận việc chuẩn bị tiệc mừng thọ cho ông nội, cũng đã mấy ngày rồi cô chưa đến phòng tranh. Cô giao việc kiểm kê quà tặng lại cho Ôn Thời Thư, còn mình thì quay về Côn Luân Họa Thất.

Bạn đang đọc truyện trên: RoTruyen.Com